Con chết sau khi sinh thì có được hưởng chế độ thai sản không?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Chị Trang sinh non khi thai 24 tuần tuổi và con chị qua đời. Chị không biết mình có được hưởng chế độ thai sản hay không?

Chị Trang đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được 3 năm. Vì sự cố nên Trang sinh non lúc thai nhi mới được 24 tuần tuổi và sau đó bé đã qua đời.

Chị Trang thắc mắc: "Như vậy thì tôi có được hưởng bảo hiểm thai sản không? Nếu được thì hồ sơ hưởng bảo hiểm thai sản cần những gì?".

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, điều kiện hưởng chế độ thai sản được quy định cho 6 nhóm lao động tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Con chết sau khi sinh thì có được hưởng chế độ thai sản không? - 1

Căn cứ vào quy định trên, chị Trang thuộc trường hợp lao động nữ sinh con. Nếu chị Trang có đóng BHXH bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh là đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản.

Trong trường hợp con chị Trang qua đời sau khi sinh chỉ ảnh hưởng đến thời gian được hưởng chế độ thai sản.

Theo Khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Tuy nhiên, trường hợp sau khi sinh con mà con chết thì thời gian nghỉ việc hưởng thai sản của người mẹ có điều chỉnh theo Khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Theo đó, nếu con dưới 2 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 4 tháng tính từ ngày sinh con. Nếu con từ 2 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 2 tháng tính từ ngày con chết. Tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trong trường hợp này không vượt quá thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Để được hưởng chế độ thai sản trên, chị Trang có thể chuẩn bị hồ sơ được hướng dẫn chi tiết tại Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Con chết sau khi sinh thì có được hưởng chế độ thai sản không? - 3