1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Anh cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tấn công Crimea

Minh Phương

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Anh xác nhận Ukraine có thể sử dụng bất cứ vũ khí nào được Anh viện trợ để tấn công bán đảo Crimea.

Anh cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tấn công Crimea - 1

Cầu Crimea (hay cầu Kerch) nối đất liền Nga với bán đảo Crimea bốc cháy hồi tháng 10/2022 (Ảnh: AFP).

"Như các bạn đã biết, chúng tôi đã cấp phép sử dụng vũ khí trên lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả Crimea, nơi mà chúng tôi tin là một phần không thể tách rời của Ukraine", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps phát biểu với các phóng viên ngày 14/5.

Bộ trưởng Shapps từ chối tiết lộ thêm thông tin chi tiết về các thỏa thuận chính xác mà London và Kiev đã đạt được.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Anh nhấn mạnh thêm, Anh sẽ luôn cho phép sử dụng vũ khí của mình ở Ukraine và các quốc gia khác với sự tuân thủ đầy đủ luật nhân đạo quốc tế.

Ông Shapps nói rằng, kịch bản Nga giành chiến thắng ở Ukraine là "không thể chấp nhận được". Do vậy, ông kêu gọi các đồng minh, đối tác tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev.

Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi năm 2014. Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Crimea liên tục trở thành mục tiêu bị tập kích. 

Hồi đầu tháng này, trong chuyến thăm Kiev, Ngoại trưởng Anh David Cameron cũng tuyên bố, Anh sẽ cấp cho Ukraine mỗi năm 3 tỷ bảng chừng nào còn cần thiết và không phản đối Kiev dùng vũ khí do London viện trợ để nhắm vào Nga.

"Xét về những gì Ukraine làm, theo quan điểm của chúng tôi, đó là quyết định của họ về việc sử dụng vũ khí, họ đang tự vệ. Chúng tôi không thảo luận về bất kỳ cảnh báo nào, nhưng rõ ràng là Nga đã tấn công Ukraine và Ukraine có quyền tấn công lại", Ngoại trưởng Cameron nói hôm 2/5.

Ông lập luận: "Ukraine có quyền đó. Giống như việc Nga đang tấn công vào bên trong Ukraine, bạn hoàn toàn có thể hiểu tại sao Ukraine cảm thấy cần phải đảm bảo rằng họ có thể tự vệ".

Giới chức Nga lập tức chỉ trích tuyên bố của ông Cameron, gọi đây là một trong những phát ngôn "nguy hiểm" của giới chức phương Tây.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 6/5 đã triệu đại sứ Anh Nigel Casey để phản đối. Moscow nói rằng phát ngôn của Ngoại trưởng Cameron mâu thuẫn trực tiếp với đảm bảo trước đó của Anh rằng tên lửa hành trình tầm xa họ chuyển cho Ukraine sẽ không được dùng để tập kích lãnh thổ Nga trong mọi tình huống.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, phát biểu của ông Cameron đã "thừa nhận Anh trên thực tế là một bên tham gia xung đột".

"Đại sứ Casey được cảnh báo rằng Nga có thể tấn công bất cứ cơ sở và thiết bị quân sự nào của Anh trong hoặc ngoài lãnh thổ Ukraine, nếu Kiev dùng vũ khí Anh tập kích lãnh thổ Nga", Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Trong khi đó, Anh bác tin Đại sứ Casey bị triệu tập, khẳng định ông chỉ gặp giới chức Nga "để trao đổi về ngoại giao", trong đó nhấn mạnh Anh tiếp tục ủng hộ Ukraine.

Anh hiện vẫn là một trong những nước viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine. London đã cấp cho Kiev khoảng 9 tỷ USD kể từ khi xung đột với Nga nổ ra tháng 2/2022. Mặc dù vậy, London đến nay vẫn phản đối ý tưởng đưa quân đến Ukraine.

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine