1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết tiếp tục tăng, dấu hiệu nhận biết bệnh

Nam Phương

(Dân trí) - Trong tuần vừa qua, số ca mắc sốt xuất huyết của Hà Nội tiếp tục tăng, trong khi số trẻ bị tay chân miệng, ho gà đều có xu hướng giảm.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 10/5 đến 17/5, thành phố (TP) ghi nhận 41 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 16 ca so với tuần trước (25 ca). Từ đầu năm 2024 đến nay, TP ghi nhận 667 ca mắc, 0 ca tử vong, số ca mắc tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023 (255 ca).

Trong tuần Hà Nội không ghi nhận ổ dịch. Hiện TP còn 2 ổ dịch đang hoạt động tại thôn Thọ Vực, Bãi Tháp, Đồng Vân của huyện Đan Phượng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị tổ chức giám sát véc tơ tại các ổ dịch này.

Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết tiếp tục tăng, dấu hiệu nhận biết bệnh - 1

Gần đây, số mắc sốt xuất huyết của Hà Nội có xu hướng gia tăng (Ảnh minh họa: T.X).

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo các địa phương cần tăng cường thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết.

Để phòng bệnh, người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

Đồng thời, kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

Đồng thời, loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. 

Giai đoạn sốt

Người bệnh có các biểu hiện:

- Sốt cao đột ngột, liên tục.

- Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.

- Da xung huyết.

- Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

- Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.

Giai đoạn nguy hiểm

Thời điểm này thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. 

Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có thể có các biểu hiện đau bụng nhiều, liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan, vật vã, lừ đừ, li bì, nôn ói, xuất huyết dưới da, niêm mạc, chảy máu mũi, xuất huyết âm đạo…

Giai đoạn hồi phục

Giai đoạn hồi phục của bệnh thường vào ngày thứ 7-10 của bệnh. 

Phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời. Người bệnh cần tái khám và làm xét nghiệm hàng ngày. Nếu xuất hiện dấu hiệu cảnh báo cho nhập viện điều trị.

Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết tiếp tục tăng, dấu hiệu nhận biết bệnh - 2

Trong tuần thành phố ghi nhận 68 ca mắc tay chân miệng, giảm 61 ca mắc so với tuần trước đó. Bệnh nhân phân bố tại 22 quận, huyện. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.184 ca mắc, 0 ca tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023 (550 ca).

TP cũng chỉ ghi nhận 2 ca mắc ho gà, giảm 13 ca so với tuần trước. Phần lớn ca mắc là trẻ em dưới 4 tháng tuổi (chiếm 77%), trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ. Đồng thời, có 1 ca mắc uốn ván, 26 ca mắc thủy đậu.