1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine ngầm đe dọa phá hủy cầu Crimea?

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức ngoại giao Ukraine được cho là đã đưa ra lời đe dọa ngầm về việc phá hủy cầu Crimea của Nga.

Ukraine ngầm đe dọa phá hủy cầu Crimea? - 1

Cầu Crimea nối bán đảo Crimea với đất liền Nga (Ảnh: Sputnik).

Theo hãng tin RT, đặc phái viên của Ukraine tại Liên Hợp Quốc, ông Sergey Kislitsa, đã đưa ra lời đe dọa ngầm đối với cầu Crimea, ngụ ý rằng công trình này sẽ không còn tồn tại vào cuối năm nay.

Trong một bài viết đăng trên mạng xã hội X hôm 1/5, nhà ngoại giao Ukraine đã chia sẻ hình ảnh về "danh sách gồm 6 loại cầu chính trong năm 2024", trong đó phần gắn mác "Kerch" hiển thị một khoảng trống.

Trước đó, các quan chức cấp cao của Ukraine từng nhiều lần tuyên bố việc phá hủy cây cầu bắc qua eo biển Kerch là ưu tiên hàng đầu của Kiev, khẳng định đây là mục tiêu quân sự hợp pháp. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tháng trước đã nói với truyền thông Đức rằng việc phá hủy cầu Crimea là điều mà "chúng tôi rất mong muốn".

Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, việc các quan chức Ukraine công khai lên tiếng về kế hoạch tấn công cơ sở hạ tầng của Nga một lần nữa chứng minh rằng, quyết định của Nga về việc tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine là đúng đắn.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng việc Washington chuyển tên lửa tầm xa cho Ukraine "làm tăng mối đe dọa đối với an ninh của Crimea, bao gồm Sevastopol, các khu vực mới của Nga và các thành phố khác của Nga".

Cầu Crimea được xây dựng từ năm 2016 đến năm 2018 và là tuyến đường bộ và đường sắt duy nhất nối bán đảo Crimea với đất liền Nga. Nga đã sáp nhập Crimea vào năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý.

Kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ vào năm 2022, nhiều quan chức và chỉ huy ở Ukraine đã đe dọa phá hủy cây cầu dài 19km nối bán đảo Crimea và vùng Krasnodar. Họ cho rằng công trình này rất quan trọng đối với quân đội Nga.

Nga cáo buộc lực lượng đặc nhiệm Ukraine tiến hành hai vụ đánh bom lớn vào cầu Crimea kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự vào năm 2022.

Bán đảo Crimea, nơi đặt trụ sở của Hạm đội Biển Đen Nga, gần đây liên tục trở thành mục tiêu bị tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái và xuồng không người lái. Nga cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ tấn công này.

Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) Vadym Skibitsky tuyên bố Crimea là chìa khóa giúp Nga mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực. Mặt khác, ông nhấn mạnh, việc Ukraine giành lại bán đảo là điều không thể thương lượng.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Moscow sẽ cân nhắc "sử dụng mọi biện pháp, bao gồm cả hạt nhân" trong trường hợp Crimea bị tấn công.

Một số nước ủng hộ Ukraine cũng đồng tình với Kiev về việc tiến hành các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Nga. Tuần trước, Đại sứ Lithuania tại Thụy Điển, Linas Linkevicius, cho rằng việc Mỹ cung cấp tên lửa ATACMS sẽ dẫn đến việc phá hủy cầu Crimea. Nhà ngoại giao này thậm chí kêu gọi mọi người chụp ảnh với công trình này khi còn có thể.

Theo RT