DNews

Người dân TPHCM tiếc nuối những tuyến đường rợp bóng cây xanh

An Huy

(Dân trí) - Người dân ở TPHCM kỳ vọng cơ quan chức năng tính toán mở rộng đường, xây dựng những công trình giao thông giúp giảm kẹt xe hiệu quả để sự "hy sinh" của hàng nghìn cây xanh không vô nghĩa.

Người dân TPHCM tiếc nuối những tuyến đường rợp bóng cây xanh

10h sáng, ông Lê Văn Hòa (57 tuổi, ngụ phường 13, quận Tân Bình) ngồi nép dưới bóng râm trên đường Cộng Hòa phóng tầm mắt xa xăm về phía đường Hoàng Hoa Thám trơ trọi bóng cây hơn 10 ngày nay.

Số cây xanh ở đây đã được lực lượng chức năng đốn hạ để giải phóng mặt bằng chuẩn bị khởi công dự án mở rộng đường dẫn vào nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Vừa tiếc nuối hàng cây cổ thụ hơn 100 năm tuổi, ông Hòa kỳ vọng sự "hy sinh" của chúng sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp, giảm tình trạng kẹt xe đang diễn ra mỗi ngày tại khu vực.

Luyến tiếc hàng cây cổ thụ

Trong ký ức của ông Hòa, đường Hoàng Hoa Thám trước năm 1975 là một trong 3 cổng dẫn vào doanh trại sư đoàn dù, bảo vệ vành đai sân bay Tân Sơn Nhất. Hai bên đường là hàng chục cây me tây to 3 người ôm không hết. Lòng đường nhỏ chừng 6-8m lúc nào cũng rợp bóng mát.

Theo ông Hòa, năm 2012, chung cư Carillon 3 được xây dựng trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 13 (quận Tân Bình) thu hút hàng nghìn người về đây sinh sống. Con đường nhỏ dẫn từ cổng doanh trại quân đội đến đường Cộng Hòa xảy ra kẹt xe thường xuyên vào giờ cao điểm. Cơ quan chức năng giải quyết tạm thời bằng cách xây cầu vượt thép trên đường Cộng Hòa cho xe lưu thông thẳng.

Người dân TPHCM tiếc nuối những tuyến đường rợp bóng cây xanh - 1

Ông Hòa hy vọng sau khi đốn cây, việc mở rộng đường sẽ giúp giảm kẹt xe trên đường Cộng Hòa (Ảnh: An Huy).

Tuy nhiên, 4 năm trở lại đây, bài toán giải quyết kẹt xe bằng cầu vượt không còn hiệu quả. Lực lượng chức năng phải đóng cầu vượt Hoàng Hoa Thám hướng trung tâm TPHCM ra ngoại thành vào giờ cao điểm sáng, cho xe hướng ngược lại thoát nhanh qua khu vực; giờ tan tầm thay đổi ngược lại.

"Tôi và mọi người tiếc hàng cây nhưng vui vẻ chấp nhận đốn hạ, hy vọng đường Hoàng Hoa Thám mở rộng, người dân sẽ theo lối này vào sân bay giảm kẹt xe cho đường Cộng Hòa đang quá tải. Tôi nghe nói khi hoàn thành mở rộng đường, cơ quan chức năng sẽ trồng lại cây nhiều hơn", ông Hòa nói.

Ông Chạc A Si (70 tuổi, ngụ địa phương) cho biết hàng me tây trên đường Hoàng Hoa Thám có trước thời Pháp thuộc. Thế hệ những người như ông gắn với hàng cây nhiều kỷ niệm.

Khoảng 9-10 tuổi, ông với bạn cùng trang lứa thường ra tuyến đường này hái trái me tây đem về rang ăn. Khi trưởng thành, ông đậu xích lô dưới những tán cây này mưu sinh, nuôi gia đình. 20 năm trở lại đây, ông chuyển sang nghề lái xe ôm, tiếp tục bám trụ bên cạnh gốc me tây chờ đón khách đến khi chúng bị đốn hạ.

Theo ông Si, xã hội ngày càng phát triển, việc mở rộng đường là điều tất yếu, khi đó những hàng cây cũng khó có thể được giữ gìn. Bởi theo ông, cố giữ hàng cây cổ thụ để mỗi ngày chứng kiến cảnh kẹt xe, mọi người trễ giờ làm, học sinh trễ học, ảnh hưởng sức khỏe thì không ai mong muốn.

Ông kỳ vọng cơ quan chức năng tính toán mở rộng đường, giảm kẹt xe hiệu quả để sự hy sinh của hàng cây là không vô nghĩa. "Tôi nghĩ tầm 10 năm nữa, con đường sẽ có bóng cây mát mẻ trở lại", ông Si nói rồi nhìn về dòng xe lưu thông vội vã dưới cái nắng như đổ lửa trên đường Hoàng Hoa Thám lúc giữa trưa.

Người dân TPHCM tiếc nuối những tuyến đường rợp bóng cây xanh - 2

Lực lượng chức năng đang đốn một cây me tây cổ thụ trên đường Hoàng Hoa Thám (Ảnh: An Huy).

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, đến nay, việc đốn hạ, di dời cây xanh trên đường Hoàng Hoa Thám, đoạn từ Cộng Hòa dẫn vào cổng doanh trại quân đội đã hoàn thành, chuẩn bị bàn giao mặt bằng mở rộng đường. Nơi này hiện chỉ còn những gốc cây đường kính 0,5-2m, cắt sát mặt đường.

Trong khi đó, hơn 300 cây xanh như lim xanh, me tây, sọ khỉ… ảnh hưởng bởi dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa tại công viên Hoàng Văn Thụ cũng được cơ quan chức năng hoàn thành di dời. Dọc tuyến đường này là đại công trường, xe cơ giới và công nhân làm việc cả ngày lẫn đêm. Phía góc đường Trường Chinh, Cộng Hòa, hàng chục cây sọ khỉ cũng được đốn hạ hơn 1 năm trước.

Mạnh dạn đánh đổi

Những ngày này, khi lưu thông trên đại lộ Mai Chí Thọ vào giữa trưa, đoạn từ nút giao Đồng Văn Cống đến đầu cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (TP Thủ Đức), nhiều người cảm thấy oi bức, ngột ngạt khi 1.500 cây xanh qua khu vực đã được cơ quan chức năng đốn hạ, bứng dưỡng, lấy mặt bằng xây dựng nút giao thông An Phú.

Đại công trường dài gần 1km ngập trong khói, bụi bởi hàng chục xe cơ giới đang thi công đào đường xây dựng hầm chui, cầu vượt. Một phần đường được cơ quan chức năng dựng lô cốt xây dựng dự án, tình trạng kẹt xe ở khu vực xảy ra thường xuyên, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Người dân TPHCM tiếc nuối những tuyến đường rợp bóng cây xanh - 3

Một công nhân đang vác cưa máy đi qua khu vực cây xanh chuẩn bị bứng dưỡng trên đại lộ Mai Chí Thọ (Ảnh: An Huy).

Ông Nguyễn Thành (52 tuổi, ngụ phường An Phú, TP Thủ Đức) cho biết trước khi dự án triển khai, Mai Chí Thọ được xem là một trong những tuyến đường nhiều cây xanh bậc nhất tại TPHCM. Cây không cổ thụ nhưng tỏa bóng mát, ai di chuyển trên đường cũng cảm thấy dễ chịu những ngày nắng.

Theo ông Thành, cây xanh ở thành thị rất quý vì giúp lọc khói bụi, điều hòa không khí. Tuy nhiên, để xây dựng những công trình giao thông mang tính thế kỷ, ông nghĩ việc di dời, đốn hạ cây xanh là cần thiết. Bởi, dự án hoàn thành, cây xanh có thể phục hồi trở lại.

"Chúng ta không thể tiếc nuối cây xanh khi khu vực xảy ra kẹt xe thường xuyên, kìm hãm phát triển kinh tế. Thay vào đó, ta nên cố gắng hết mức gìn giữ cây, cố gắng bứng dưỡng thay vì đốn hạ. Khi công trình hoàn thành, có thể đem cây xanh về trồng lại vị trí cũ", ông Thành nói.

Tương tự, ông Đặng Văn Thanh (58 tuổi, ngụ quận 1) tự nhận bản thân là người rất quý cây xanh. Ông gắn bó với hàng cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé (quận 1) từ nhỏ đến khi chúng bị đốn hạ để xây cầu Ba Son kết nối khu đô thị Thủ Thiêm.

Ông Thanh cho biết khoảng năm 1997, thành phố mở đường Nguyễn Hữu Cảnh nối từ cầu Sài Gòn đến đường Tôn Đức Thắng, tình trạng kẹt xe tại giao lộ này bắt đầu xảy ra thường xuyên.

Người dân TPHCM tiếc nuối những tuyến đường rợp bóng cây xanh - 4

Ông Thanh cho biết muốn xã hội ngày càng phát triển, mọi người không nên cố luyến tiếc những điều đã cũ (Ảnh: An Huy).

Thời điểm lực lượng chức năng bắt đầu đốn hạ 258 cây dầu, sao đen, sọ khỉ... trên đường Tôn Đức Thắng phục vụ xây cầu Ba Son, ga metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), ông và người dân địa phương đều tiếc nuối. Bởi cây trên đường có tuổi thọ hơn 100 năm, ánh nắng khó lọt qua tán những ngày nắng gắt.

Khi biết thành phố đốn cây mở rộng đường, bên cạnh một số tiếc nuối, những người như ông Thanh cũng mạnh dạn bỏ qua những cảm xúc cá nhân để ủng hộ.

"Tôi nghĩ xã hội ngày càng phát triển, không nên cố luyến tiếc những điều đã cũ. Đường Tôn Đức Thắng hiện khoác lên mình chiếc áo mới, rộng rãi, không còn kẹt xe, kết nối cầu Ba Son dẫn qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm rất đẹp. Tôi và người dân địa phương thấy hài lòng. Việc buôn bán của người dân hai bên đường cũng phát triển hơn. Dọc vỉa hè, cây xanh được trồng trở lại. Dù cây chưa lớn nhưng tôi hy vọng chúng sẽ nhanh tạo bóng mát trong thời gian tới", ông Thanh chia sẻ.

Thu tiền tỷ từ bán gỗ

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM, cho biết, việc đốn hạ hoặc bứng dưỡng cây xanh trên đường phố phải dựa vào một số yếu tố để đưa ra quyết định.

Cụ thể, phải xem xét cây có tuổi đời lớn hay nhỏ. Cây nhỏ, việc bứng dưỡng tương đối dễ dàng. Cây lớn, khi bứng tốn rất nhiều công di dời và chăm sóc.

Những cây bứng dưỡng, chủ yếu trồng ở các công viên, hiếm khi trồng lại trên đường phố vì bộ rễ đã bị tổn hại, dễ bật gốc gây nguy hiểm khi trời mưa gió.

Người dân TPHCM tiếc nuối những tuyến đường rợp bóng cây xanh - 5

Hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng được thay đổi bằng mặt đường rộng dẫn lên cầu Ba Son kết nối TP Thủ Đức (Ảnh: An Huy).

Theo ông Sơn, về nguyên lý, cây càng lớn, bứng dưỡng có độ sống thấp và tốn nhiều kinh phí. Trước khi thực hiện, đơn vị chức năng sẽ xem xét chủng loại cây thế nào, có cần phải bứng hay không.

"Có những loại cây giá trị kinh tế không lớn mà bỏ quá nhiều kinh phí bứng dưỡng cũng không hay. Cây xanh ở TPHCM có giá trị cao hiện rất ít, chủ yếu là gỗ thông dụng. Chỉ có một số loại quý như cẩm lai, căm xe… mới trồng được 10 năm trở lại đây. Cây phát triển nhanh, gỗ thường không tốt như điệp phèo heo, sọ khỉ…", ông Sơn nói.

Theo Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (Sở Xây dựng TPHCM), phần lớn cây đốn hạ được tập kết về tại vườn ươm ở xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) để bán đấu giá.

Trong năm vừa qua, đơn vị này đã bán đấu giá thành công hơn 4.200m2 gỗ với giá thẩm định gần 4,7 tỷ đồng. Tổng giá trị bán đấu giá thành công nộp ngân sách Nhà nước gần 5,8 tỷ đồng.

Vừa qua, thành phố tiếp tục thu hồi hàng trăm nghìn mét khối gỗ, Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật đang chọn đơn vị thẩm định giá để tiếp tục bán đấu giá.

TPHCM đang và sắp triển khai 4 công trình giúp giảm ùn tắc giao thông tại nhiều quận, huyện trên địa bàn. Theo đó, có hàng nghìn cây xanh bị ảnh hưởng phải đốn hạ, bứng dưỡng đi nơi khác.

Cụ thể, dự án xây dựng nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức) có khoảng 1.500 cây xanh nằm dọc trên đại lộ Mai Chí Thọ bị ảnh hưởng; dự án mở rộng Hoàng Hoa Thám kết nối nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) gần 100 cây xanh bị ảnh hưởng; dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa có hơn 300 cây xanh bị ảnh hưởng và dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có hơn 450 cây.

Xem thêm tuyến bài TPHCM "khát" cây xanh
- Bài 1: Gần 2.500 cây xanh "hy sinh" nhường chỗ cho 4 dự án giao thông ở TPHCM

Dòng sự kiện: TPHCM "khát" cây xanh