Chuyện tình xúc động của vị tướng tài và đám cưới trong hầm De Castries

Phạm Hồng Hạnh Mộc Khải

(Dân trí) - 70 năm trước, một lễ cưới đặc biệt được tổ chức trong hầm De Castries, dưới ánh đèn măng-sông. Cô dâu chú rể dắt tay nhau qua hầm trong sự hồ hởi của khách mời đều là đồng đội vừa tham gia chiến đấu.

Tình yêu qua những cánh thư

Những ngày này, người dân cả nước đang hướng về Điện Biên nơi ghi dấu  chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu 7/5/1954.

Trên mảnh đất Tây Bắc, người ta đã kể cho nhau nghe những câu chuyện về một thời mưa bom bão đạn, về những tấm gương chiến đấu anh dũng, về tình đồng đội, đồng chí, đồng bào.

Và ở nơi ấy, hòa cùng tình yêu và niềm vui chung của đất nước trong những thời khắc thiêng liêng, có cả những tình yêu đẹp đã đơm hoa kết trái.

Du khách và nhiều người lính Điện Biên năm xưa đã lặng người xúc động khi ghé thăm hầm De Castries - nơi lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay báo hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Tại đây, ngoài những câu chuyện lịch sử, họ còn được nghe kể về một đám cưới đặc biệt, một tình yêu đẹp của ông Cao Văn Khánh và bà Nguyễn Thị Ngọc Toản.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Phạm Thị Thảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích Điện Biên cho hay, ngày 22/5/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tại hầm De Castries, một đám cưới đặc biệt đã được tổ chức trong sự chúc phúc của những chiến sĩ vừa tham gia chiến đấu.

Chuyện tình xúc động của vị tướng tài và đám cưới trong hầm De Castries - 1

Bức chân dung ông Cao Văn Khánh và bà Nguyễn Thị Ngọc Toản được gia đình cho trao cho Ban Quản lý di tích Điện Biên (Ảnh: BQL Di tích Điện Biên).

Đám cưới đặc biệt ấy là của ông Cao Văn Khánh, Đại đoàn phó Đại đoàn 308, Đại đoàn quân tiên phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh trận đồi Độc Lập, đồi A1 bao vây Mường Thanh và bà Nguyễn Thị Ngọc Toản, khi ấy là y tá Đội Điều trị 2 trong chiến dịch.  

Đại đoàn phó Cao Văn Khánh và bà Ngọc Toản có một tình yêu tuyệt đẹp, giao thoa giữa tình đồng chí, đồng hương và tình yêu lãng mạn.

Cả hai là đồng hương người Huế, quen nhau qua sự kết nối của những người lính trên chiến trường. Tình yêu nảy nở giữa mưa bom bão đạn, họ không có thời gian gặp gỡ nhau nhiều mà chỉ biết gửi nhớ thương qua những cánh thư. Cả hai hẹn ước, khi chiến dịch thắng lợi sẽ về chiến khu Việt Bắc báo cáo gia đình để làm đám cưới.

Sau thắng lợi vang dội của chiến dịch Điện Biên Phủ, vị Đại đoàn phó được phân công quản lý công tác thu dọn chiến trường, công tác thương binh, tù binh. Công việc bộn bề khiến ý định về chiến khu Việt Bắc tổ chức đám cưới chưa biết khi nào mới thực hiện được.

Lúc này, được cán bộ cấp trên gợi ý, ông bà đã xin phép Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức lễ cưới ngay tại hầm De Castries.

Cô dâu chú rể cùng chụp một bức ảnh cưới trên chiếc xe tăng đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ còn đậu ở sân bay Mường Thanh.

Chuyện tình xúc động của vị tướng tài và đám cưới trong hầm De Castries - 2

Ông Khánh bà Toản chụp ảnh trên chiếc xe tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh: Tư liệu).

Theo tư liệu gia đình cung cấp cho Ban quản lý di tích Điện Biên, đám cưới đã được tổ chức với những chiến lợi phẩm thu được sau chiến dịch như bánh kẹo, rượu Tây. Không gian căn hầm được trang trí bồng bềnh bằng những chiếc dù thu được với đủ màu sắc.

Trong ngày hạnh phúc, họ vẫn nhắc nhớ nhau về nhiệm vụ cần ghi nhớ sau cuộc chiến. Tấm dù được trang trí dòng chữ cắt bằng giấy bản đồ địch bỏ lại: "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ - 22/5/1954". 

Chú rể mặc quân phục, cô dâu ăn vận giản dị, vuốt lại mái tóc cho gọn gàng. Không có gia đình, họ hàng bên cạnh, chủ hôn là đồng chí Trần Trung Nam (tức tướng Trần Nam Trung, sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam). Tham dự lễ cưới có khoảng 40 đại biểu của "họ nhà trai" và "họ nhà gái".

Trong buổi lễ thành hôn lịch sử năm ấy, đồng chí Cao Văn Khánh xúc động nói với vợ mình rằng: "Hôm nay, chúng ta rất vui sướng nhận được sự ưu ái của đồng chí, đồng đội trong buổi lễ thành hôn đặc biệt trên chiến trường đã im tiếng súng.

Và chúng ta không quên nhớ ơn tới những người đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường này, chúng ta sẽ cố gắng hết mình để xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân đội ta, xứng đáng với niềm tin của nhân dân, của Đảng và Bác Hồ".

Nghe những lời ấy, nữ y tá Nguyễn Thị Ngọc Toản nghẹn ngào, đôi dòng nước mắt lăn dài. Chính trong khoảnh khắc ấy, nữ y tá chiến trường nghĩ đến những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, những chiến sĩ gương mặt còn trẻ bị thương nặng rồi trút hơi thở cuối cùng trên tay mình.

Họ còn quá trẻ, mới chỉ mười chín, đôi mươi khoác cây súng trên vai ra trận đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc, còn chưa biết thế nào là tình yêu đôi lứa chứ chưa nghĩ đến việc có một tình yêu trọn vẹn.

Đám cưới của vị Đại đoàn phó cùng nữ y tá chiến trường trở thành niềm vui chung của cán bộ và chiến sĩ Điện Biên. Bà Toản vì thế được nhiều người gọi là "cô dâu Điện Biên" bởi hôn lễ lãng mạn ngay giữa lòng chiến địa.

Sau này, bà Toản trở thành giáo sư, bác sỹ sản phụ khoa đầu ngành của cả nước, còn vị Đại đoàn phó Cao Văn Khánh trở thành Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông Cao Văn Khánh qua đời năm 1980, còn bà Nguyễn Thị Ngọc Toản đang sinh sống tại TPHCM cùng các con.

Chuyện tình xúc động của vị tướng tài và đám cưới trong hầm De Castries - 3

"Cô dâu Điện Biên" Ngọc Toản trao tặng ảnh và sách về tướng Cao Văn Khánh cho chị Phạm Thị Thảo, đại diện Ban Quản lý di tích Điện Biên (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chuyến trở lại hôn trường của "cô dâu Điện Biên"

Vừa qua, "cô dâu Điện Biên" Nguyễn Thị Ngọc Toản đã có chuyến trở lại chiến trường xưa và cũng là hôn trường nơi diễn ra đám cưới của bà cùng người bạn đời.

Ở tuổi 94, tóc đã bạc phơ, nhưng bà Nguyễn Thị Ngọc Toản vẫn không ngại khó khăn, di chuyển một quãng đường xa để ôn lại những kỷ niệm khó quên cách đây gần 70 năm.

Bà Toản cho biết, khi trở lại Điện Biên, những ký ức ngày xưa lại ùa về, khiến bà thêm nhớ về những đồng đội đã hy sinh khi còn rất trẻ. Bà Toản không nén được sự xúc động khi đến thắp hương cho các đồng đội đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1.

Được đón tiếp bà Nguyễn Thị Ngọc Toản ngay tại di tích và trực tiếp nghe bà kể về kỷ niệm đám cưới, chị Phạm Thị Thảo rất xúc động.

Chị cho hay: "Hàng ngày các cán bộ, hướng dẫn viên vẫn thuyết minh, giới thiệu cho du khách về câu chuyện đặc biệt này.

Được gặp "cô dâu Điện Biên" trong chuyến trở lại chiến trường xưa, ngay tại di tích này, chúng tôi cảm nhận rõ thêm tình cảm, lý tưởng cao đẹp của thế hệ cha anh. Câu chuyện của cô đã truyền thêm cảm hứng, giúp chúng tôi có thêm tư liệu, câu chuyện thực tế để giới thiệu đến du khách".

Chuyện tình xúc động của vị tướng tài và đám cưới trong hầm De Castries - 4

Bà Toản thăm lại hôn trường và ghi lại những hình ảnh lưu niệm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ông Cao Quý Bảo, con trai của bà Nguyễn Thị Ngọc Toản, cho biết: "Dù sức khỏe đã giảm sút, nhưng mẹ tôi luôn ước muốn được một lần nữa trở lại Điện Biên.

Vậy nên, trong dịp đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gia đình đã cố gắng thực hiện mong muốn của mẹ. Ý nghĩa hơn nữa là mẹ tôi đặt chân thăm lại chiến trường xưa đúng ngày sinh nhật 94 tuổi nên bà càng vui và xúc động".

Bà Toản đang sống cùng con gái tại TPHCM. Chia sẻ với phóng viên Dân trí, con gái của bà Toản cho hay, thời gian gần đây, ngày nào bà Toản cũng đọc những tin tức liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như lễ cưới đặc biệt của chính mình. Đầu tháng 5, bà Toản đã đi họp mặt cựu chiến binh ở TPHCM. Sống lại những ký ức thời chiến, bà Toản luôn bồi hồi, xúc động.

Con gái bà Toản cũng thông tin, dù đã bước sang tuổi 94, nhưng bà Toản vẫn còn minh mẫn, sức khỏe tốt. Bà vẫn thường ra Hà Nội để thăm con trai.

"Hằng ngày, mẹ tôi dành nhiều thời gian để đọc sách. Bà không cần đeo kính. Thỉnh thoảng, bà lại ngồi xe lăn, dạo quanh khu phố", con gái bà Toản cho hay.