Người trẻ Nhật "phát khóc" vì phải mừng cưới ít nhất 5 triệu đồng

Thư An

(Dân trí) - Ở xứ Phù Tang, có một quy tắc ngầm là khi đi ăn cưới người thân thiết hay không thân với mình, số tiền mừng ít nhất cũng phải 30.000 yen (gần 5 triệu đồng).

Người Nhật Bản không có thói quen tặng quà cưới. Khi đến chúc mừng một cặp đôi mới kết hôn, khách mời sẽ đưa tiền mặt, thay vì máy nướng bánh mỳ hay máy pha cà phê.

Điều này giúp tránh khỏi việc tốn thời gian đi mua sắm nếu được mời cưới. Tuy nhiên, có một quy tắc khá rõ ràng về số tiền phải đưa - 30.000 yen (gần 5 triệu đồng), theo SoraNews24.

Con số đó có vẻ không quá cao khi dành cho bạn thân hoặc họ hàng. Nhưng 30.000 yen là mức chung dù cô dâu - chú rể chỉ là đồng nghiệp xã giao hay bạn học cũ chẳng mấy khi nói chuyện. Chưa kể, nếu đi dự hôn lễ cùng người yêu, khách mời phải tự biết ý bỏ tiền gấp đôi trong phong bì.

Để tìm đáp án cho câu hỏi "30.000 yen mừng cưới có quá nhiều hay không?", Rexit - một cổng thông tin tổ chức đám cưới trực tuyến - thực hiện cuộc khảo sát trên Internet, thu thập phản hồi từ 361 đối tượng nam và nữ, 38,7% trong số này ở độ tuổi 20-29. 

Người trẻ Nhật phát khóc vì phải mừng cưới ít nhất 5 triệu đồng - 1

30.000 yen là mức chung khi đi đám cưới ở Nhật Bản, bất kể mối quan hệ với cô dâu - chú rể là gì (Ảnh minh họa: Getty).

Khi được hỏi, 64,3% trong nhóm ở độ tuổi 20 thừa nhận: "30.000 yen là quá đắt đỏ".

Với giá trị đồng yen suy yếu so với ngoại tệ, 30.000 yen có vẻ không nhiều khi quy đổi sang USD. Tuy nhiên, số liệu thống kê năm 2023 từ cơ quan thuế quốc gia Nhật Bản cho thấy, thu nhập trung bình của những người 20-24 tuổi là hơn 2,7 triệu yen/năm (hơn 440 triệu đồng) và đối với nhóm 25-29 tuổi thì con số là gần 3,9 triệu yen/năm (gần 640 triệu đồng).

Hơn nữa, khi những người tham gia khảo sát ở độ tuổi 20-29 được hỏi đã tiết kiệm bao nhiêu thu nhập, 73% cho biết, họ chỉ tiết kiệm được 30.000 yen hoặc ít hơn mỗi tháng.

Cụ thể, 19% không tiết kiệm được đồng nào; 15% để dành dưới 5.000 yen (hơn 820.000 đồng); 18% cất đi 5.000-10.000 yen (khoảng 800.000 đồng đến 1,6 triệu đồng); 21% là 10.000-30.000 yen (khoảng 1,6-5 triệu đồng); 10% tiết kiệm 30.000-50.000 yen (khoảng 5-8 triệu đồng); chỉ 7% cất đi 50.000-70.000 yen (khoảng 8-11,5 triệu đồng) và 10% để được trên 70.000 yen (khoảng 11,5 triệu đồng).

Nhiều người trẻ ở xứ hoa anh đào đặc biệt cảm thấy căng thẳng về tài chính vào mùa cưới là mùa thu và mùa xuân.

Người trẻ Nhật phát khóc vì phải mừng cưới ít nhất 5 triệu đồng - 2

Không ít người trẻ Nhật cảm thấy áp lực về tài chính khi vào mùa cưới, bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng liên tục gửi thiệp mời (Ảnh minh họa: Pakutaso).

Đổi lại, có một vài điều may mắn sau tất cả áp lực kể trên. Đầu tiên, để phù hợp với phong tục truyền thống của Nhật Bản, cô dâu - chú rể thường tặng "quà đáp lễ" cho khách mời, chẳng hạn như bánh kẹo lạ mắt, khăn lau tay hoặc bộ đồ ăn thay cho lời cảm ơn.

Tiếp đó, do tiền mừng cưới ít nhất là 30.000 yen, các cặp đôi người Nhật thường chọn lọc khá kỹ danh sách khách mời đến chung vui với mình. Họ hiểu rằng, lời mời đi kèm với gánh nặng tài chính nên tốt nhất không phiền tới những ai không thân thiết.

Cuối cùng, xã hội Nhật Bản không kỳ thị người đi ăn cưới một mình. Bởi vậy, mọi người có thể yên tâm là không bị nửa kia lôi kéo tới một hôn lễ hoàn toàn xa lạ.

Thế nhưng, ngay cả như vậy, 30.000 yen vẫn có vẻ là "quá tải" đối với những người ở độ tuổi 20 đã tham gia khảo sát. Vì vậy, khả năng cao là mặc dù họ rất chân thành khi nói với cô dâu - chú rể rằng "Xin chúc mừng!", sâu thẳm bên trong có lẽ đang than thở "Trời ạ, việc này tốn kém quá".