Cựu Cục phó Cục Thuế TPHCM được giảm 12 tháng tù

Xuân Duy

(Dân trí) - Theo HĐXX, bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới như phạm tội lần đầu, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra... nên quyết định giảm án cho cựu Cục Phó Cục Thuế TPHCM.

Sau 2 tuần làm việc và nghị án, chiều 3/5, TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh (cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM) 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Trước đó, TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Hạnh 4 năm tù. Cho rằng mức án trên quá nghiêm khắc, bà kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Cựu Cục phó Cục Thuế TPHCM được giảm 12 tháng tù - 1

Bà Hạnh được giảm nhẹ hình phạt. (Ảnh: Đặng).

Theo HĐXX, bà Hạnh có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới làm căn cứ để cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, sửa một phần bản án.

"Bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, tích cực phối hợp cơ quan điều tra. Sau khi phát hiện hành vi phạm tội, bị cáo đã góp phần hỗ trợ thu hồi số tiền thất thoát", HĐXX phúc thẩm nhận định, tuyên giảm cho bị cáo 12 tháng tù.

Bên cạnh đó, HĐXX cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án là rất nghiêm trọng, xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế, quản lý của Nhà nước để chiếm đoạt tài sản, hậu quả gây ra là đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy một số bị cáo đã tự nguyện khắc phục hậu quả, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên có cơ sở để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo này.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (Tổng Giám đốc Công ty Nhà Thủ Đức - Thuduc House) cũng được tòa chấp nhận kháng cáo và tuyên phạt mức án 3 năm 6 tháng tù (giảm 2 năm 6 tháng tù) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi Phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

10 bị cáo khác cũng được giảm án. HĐXX bác kháng cáo của gần 30 bị cáo còn lại trong vụ án.

Theo cáo buộc, bà Hạnh và các cán bộ Cục Thuế TPHCM đã ký duyệt các quyết định hoàn thuế cho Thuduc House 15 kỳ (từ tháng 4/2018 đến tháng 6/2019) trái quy định, bỏ qua các dấu hiệu rủi ro quản lý thuế, gây thất thoát cho Nhà nước 365 tỷ đồng. 

Trong vụ án này, Trịnh Tiến Dũng được xác định là chủ mưu các sai phạm xảy ra tại Thuduc House, Cục Thuế TPHCM và một số đơn vị khác. Tuy nhiên, Dũng đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra tách hành vi của người này thành vụ án khác, xử lý sau.

Kết quả điều tra xác định, từ năm 2018 đến 2020, Dũng chỉ đạo đồng phạm chiếm đoạt tiền hoàn thuế thông qua hợp đồng giả mạo giữa các công ty trong và ngoài nước do nhóm mình điều hành. Dũng và đồng phạm đã móc nối với nhiều người tại Thuduc House ký hàng trăm hợp đồng kinh tế với 8 công ty nước ngoài để bán linh kiện điện tử cho các đối tác. Tổng giá trị các lô hàng xuất khẩu hơn 158 triệu USD (hơn 3.600 tỷ đồng).

Cựu Cục phó Cục Thuế TPHCM được giảm 12 tháng tù - 2

Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án. (Ảnh: Đặng).

Để hợp thức hóa hồ sơ đầu vào, Thuduc House đã ký 334 hợp đồng mua bán linh kiện điện tử lòng vòng với nhiều công ty trong nước do nhóm Dũng chỉ định, tổng giá trị hơn 4.000 tỷ đồng. Thực tế những linh kiện điện tử này là hàng giả.

Dũng và đồng phạm đã nâng khống giá trị các hàng hóa này lên gần 400 lần để lợi dụng chính sách khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện điện tử có thuế suất 0%, chiếm đoạt tiền hoàn thuế.

Thuduc House sau đó lập 19 bộ hồ sơ gửi Cục Thuế TPHCM đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng hơn 430 tỷ đồng. Cục Thuế TPHCM ban hành 17 quyết định hoàn thuế hơn 365 tỷ đồng cho công ty này. Trong đó, bà Hạnh ký 15 quyết định hoàn thuế với số tiền hơn 331 tỷ đồng.

Với thủ đoạn tương tự, Dũng và đồng phạm đã móc nối Công ty Sài Gòn Tây Nam và Công ty Hoàng Nam Anh ký các hợp đồng mua bán khống, chiếm đoạt 173 tỷ đồng tiền hoàn thuế của Cục Thuế Tây Ninh và Cục Thuế Đồng Nai. Các sai phạm tại 2 địa phương này đã được tách ra thành vụ án khác để điều tra, xét xử sau.

Ngoài ra, từ năm 2019 đến 2020, Trịnh Tiến Dũng còn đã sử dụng 18 công ty trong nước ký 105 hợp đồng nhập khẩu DVD Rom chứa phần mềm Adobe giả với 7 công ty nước ngoài đều do mình thành lập. Từ đó, hợp thức hóa việc chuyển trái phép hơn 51,6 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng) từ Việt Nam ra nước ngoài cho một số người để thu phí chuyển tiền; chủ yếu là những người đang định cư tại Mỹ hoặc có nhu cầu định cư.