Loạt cựu lãnh đạo nộp thêm tiền khắc phục vụ Việt Á, xin giảm án

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Trong phiên xét xử phúc thẩm đại án Việt Á, loạt cựu cán bộ như bị cáo Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Nam Liên, Phạm Duy Tuyến đã nộp thêm tiền khắc phục hậu quả vụ án, mong muốn được giảm nhẹ hình phạt.

Cựu Bộ trưởng Y tế nộp khắc phục cho Chủ tịch Việt Á 1 tỷ đồng

Chiều 15/5, phiên xét xử phúc thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng 10 bị cáo khác liên quan đến đại án Việt Á tiếp tục phần xét hỏi. 

Sau khi công bố tóm tắt bản án, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tiến hành xét hỏi các bị cáo.

Đứng trước bục khai báo, hàng loạt bị cáo trình bày các lý do kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. 

Trong đó, bị cáo Nguyễn Thanh Long thừa nhận hành vi phạm tội mà bản án sơ thẩm đã nêu.

Về số tiền 2,25 triệu USD nhận của Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á), ông Long cho biết đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền trên.

Ngoài ra, bị cáo cũng trình bày những thành tích trong quá trình công tác kính mong Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Luật sư bảo vệ cho ông Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, trước ngày diễn ra phiên tòa, gia đình cựu Bộ trưởng Bộ Y tế nộp khắc phục thêm 1 tỷ đồng. 

Khoản 1 tỷ đồng này là để khắc phục cho Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt.

Loạt cựu lãnh đạo nộp thêm tiền khắc phục vụ Việt Á, xin giảm án - 1

Bị cáo Nguyễn Thanh Long tại phiên tòa phúc thẩm (Ảnh: Nguyễn Hải).

Ngoài ra, ông Long còn có 2 tình tiết xin được giảm nhẹ mới là nộp tiền phạt 100 triệu đồng và án phí. Gia đình bị cáo nhiều người có công với cách mạng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Nguyễn Thanh Long lĩnh án 18 năm tù về tội Nhận hối lộ. Sau đó, bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

 Cựu Giám đốc CDC Hải Dương thay đổi lời khai về chia tiền nhận hối lộ

Tại tòa, cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã mô tả.

Lý do ông Tuyến kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt là đến nay đã nộp thêm hơn 2 tỷ đồng, khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.

Ông Tuyến cũng đã nộp đủ 100 triệu đồng tiền phạt vi phạm hành chính.

"Trước đây bố bị cáo có công với cách mạng, đây là tình tiết mới. Ngoài ra, bị cáo có nhiều bệnh như tiểu đường, huyết áp... nên kính mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo", ông Tuyến trình bày.

Theo kết luận điều tra, trước khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương hợp thức hồ sơ đấu thầu, thanh toán tiền cho Công ty Việt Á, ông Tuyến và Phan Quốc Việt thỏa thuận, thống nhất việc Việt Á sẽ chi cho ông Tuyến và một số lãnh đạo tỉnh Hải Dương số tiền từ 20 đến 25% giá trị hợp đồng.

Loạt cựu lãnh đạo nộp thêm tiền khắc phục vụ Việt Á, xin giảm án - 2

Bị cáo Phan Quốc Việt được dẫn giải đến phiên tòa phúc thẩm (Ảnh: Nguyễn Hải).

Việc này để CDC Hải Dương ưu tiên sử dụng test xét nghiệm của Việt Á. Từ 19/5 đến 19/11/2021, ông Phạm Duy Tuyến đã 3 lần nhận tổng số tiền 27 tỷ đồng do Công ty Việt Á chuyển. 

Số tiền nhận hối lộ được ông Tuyến dùng hơn 10 tỷ đồng đưa cho một số lãnh đạo, cán bộ CDC Hải Dương. Số tiền còn lại, bị cáo khai đã sử dụng cá nhân nhưng không nhớ được việc chi tiêu.

Trả lời thẩm vấn tại phiên tòa phúc thẩm chiều nay, ông Phạm Duy Tuyến thừa nhận việc nhận tiền hối lộ như cáo buộc.

Song cựu Giám đốc CDC Hải Dương thay đổi lời khai về việc chia số tiền nhận hối lộ.

Theo đó, ông Tuyến khẳng định lời khai về việc từng đưa số tiền 3,3 tỷ đồng cho một người tên T. là không đúng sự thật. 

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Phạm Duy Tuyến lĩnh án 13 năm tù về tội Nhận hối lộ. Sau đó, ông Tuyến có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Loạt cựu lãnh đạo nộp thêm tiền khắc phục vụ Việt Á, xin giảm án - 3

Bị cáo Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương (Ảnh: Nguyễn Hải).

Bị cáo Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Kế hoạch tài chính Bộ Y tế trình bày tình tiết xin giảm nhẹ là gia đình đã nộp khắc phục thêm 500 triệu đồng.

Các bị cáo còn lại cùng xin giảm nhẹ hình phạt. 

Trong đó, bị cáo Trần Thanh Phong, cựu phó phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương, là bị cáo duy nhất dù được hưởng án treo (24 tháng) nhưng vẫn kháng cáo.

Lý do ông Phong kháng cáo là muốn được miễn trách nhiệm hình sự giống như lãnh đạo của mình là ông Nguyễn Thành Danh, cựu giám đốc CDC Bình Dương.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra tháng 1 vừa qua, ông Danh được miễn trách nhiệm hình sự vì "không tư lợi", nhiều lần kiên quyết từ chối lợi ích của Việt Á.

"Bị cáo là cấp dưới, chỉ làm theo lệnh lãnh đạo, giờ lãnh đạo được miễn trách nhiệm hình sự, bị cáo cũng xin được như vậy", ông Phong nói. 

Bị cáo Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Á) trình bày, sau khi làm đơn kháng cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét, đánh giá lại đúng bản chất của vụ án và tội danh đối với bản thân, bị cáo đã tác động gia đình nộp khắc phục hậu quả thêm 50 triệu đồng.

Ông Hiệp mong tòa phúc thẩm xem xét mức độ, hành vi phạm tội để giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Hiệp lĩnh án 15 năm tù về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.