1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga từng đồng ý để Ukraine được đảm bảo an ninh như thành viên NATO?

Minh Phương

(Dân trí) - Báo Đức đưa tin, theo dự thảo thỏa thuận giữa Nga và Ukraine hồi tháng 3/2022, Moscow chấp nhận để một số nước lớn đảm bảo an ninh cho Ukraine như quy tắc phòng thủ chung trong Hiến chương NATO.

Nga từng đồng ý để Ukraine được đảm bảo an ninh như thành viên NATO? - 1

Phái đoàn Nga và Ukraine đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3 (Ảnh: AFP).

Báo Welt của Đức ngày 26/4 dẫn nguồn thạo tin cho biết, mùa xuân năm 2022, Nga và Ukraine đã gần đạt được một thỏa thuận hòa bình, không lâu sau khi Moscow mở "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Dự thảo thỏa thuận 17 trang này, báo Đức nói rằng, Ukraine và Nga đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về phần lớn các vấn đề, mọi khác biệt còn lại sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Theo đó, Ukraine sẽ cam kết "trung lập vĩnh viễn", đồng ý không cho phép nước ngoài triển khai vũ khí và quân đội trên lãnh thổ. Ngoài ra, Kiev cam kết không sản xuất hoặc mua vũ khí hạt nhân. Kiev cũng được cho là đã đảm bảo không tổ chức các cuộc tập trận quân sự với nước ngoài.

Đổi lại, Nga cam kết không tấn công Ukraine một lần nào nữa. Đồng thời, Moscow đồng ý rằng Kiev có thể nhận được sự đảm bảo an ninh từ Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc. Nếu Ukraine bị tấn công, các bên bảo lãnh sẽ ủng hộ quyền tự vệ của nước này trong vòng 3 ngày, với các thỏa thuận liên quan sẽ được mỗi quốc gia tham gia phê chuẩn, khiến chúng có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Welt cũng tuyên bố rằng hiệp ước đã loại trừ bán đảo Crimea cũng như Donbass khỏi bất kỳ đảm bảo an ninh nào dành cho Ukraine. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ phần nào của Donbass nằm trong điều khoản này.

Theo Welt, Nga muốn xác định biên giới chính xác tại hội nghị thượng đỉnh Putin - Zelensky, nhưng Kiev đã từ chối và nhấn mạnh rằng việc này phải dựa trên cách giải thích của Ukraine.

Đồng thời, Moscow được cho là đã phát tín hiệu rằng họ sẵn sàng rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, nhưng không rút khỏi Crimea và Donbass.

Hai bên cũng được cho là có những bất đồng lớn về quy mô của quân đội Ukraine, vì Kiev muốn duy trì nhiều quân hơn mức Moscow đề nghị.

Welt cho hay, hai bên đã gần đạt được thỏa thuận, nhưng Nga sau đó yêu cầu tiếng Nga phải trở thành ngôn ngữ chính thức thứ hai ở Ukraine. Họ cũng muốn dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt lẫn nhau và bãi bỏ các vụ kiện tụng tại các tòa án quốc tế.

Ukraine và Nga chưa lên tiếng về thông tin trên.

Các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine đình trệ từ tháng 3/2022. Moscow nói rằng, hai bên gần đạt được thỏa thuận, song Kiev đã hủy dự thảo thỏa thuận vào phút chót.

Trả lời phỏng vấn truyền thông trong nước ngày 19/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lần đầu hé lộ chi tiết một số điều khoản trong dự thảo hòa bình mà Nga và Ukraine suýt đạt được tại vòng đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3/2022.

Một trong số điều khoản đó là, nếu Ukraine tuân thủ thỏa thuận Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Nga sẽ đồng ý để phương Tây áp dụng Điều 5 về phòng thủ tập thể trong Hiến chương NATO đối với Ukraine.

Tuy nhiên, điều khoản này sẽ không áp dụng đối với Donbass (miền Đông Ukraine) và bán đảo Crimea. Nếu những vùng lãnh thổ này bị tấn công, các thỏa thuận giữa Nga và Ukraine sẽ bị hủy bỏ ngay lập tức.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine