6 lợi ích cộng thêm với người lao động khi tăng lương tối thiểu

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Khi lương tối thiểu tăng 6%, người lao động được hưởng mức tiền lương ngừng việc cao hơn tương ứng, mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ tăng theo...

Tại dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng 6% so với mức hiện hành để áp dụng từ ngày 1/7.

Nếu được thông qua, lương vùng I sẽ tăng lên 4,96 triệu đồng/tháng, vùng II là 4,41 triệu đồng/tháng, vùng III là 3,86 triệu đồng/tháng, vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng. Lương hiện hành các vùng tương ứng đang "chạy" ở khoảng 4,68 - 3,25 triệu đồng/tháng.

Khi lương tối thiểu tăng 6%, ngoài mức lương hàng tháng được tăng lên, người lao động được hưởng nhiều quyền lợi hơn như tăng tiền lương ngừng việc; Tăng tiền lương tối thiểu khi chuyển công việc; Tăng mức đóng BHXH; Tăng mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp; Tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa.

6 lợi ích cộng thêm với người lao động khi tăng lương tối thiểu - 1

Lương lao động trong doanh nghiệp dự kiến tăng 200.000-280.000 đồng tùy từng vùng từ ngày 1/7/2024 (Ảnh: Gia Đoàn).

Cụ thể, theo quy định tại Điều 99 Bộ luật Lao động 2019, nếu phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động với mức không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Nếu sau khi lương tối thiểu tăng, người lao động chuyển sang công việc mới với mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu mới, họ sẽ được giữ nguyên mức lương tối thiểu cũ trong thời gian 30 ngày làm việc.

Sau 30 ngày, nếu lương công việc mới vẫn thấp hơn, người lao động có quyền thương lượng với doanh nghiệp để tăng lương hoặc tìm kiếm công việc mới phù hợp hơn. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Theo quy định hiện hành, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm việc bình thường. Do đó, khi lương tối thiểu tăng, mức đóng BHXH cũng sẽ tăng theo.

Thêm nữa, người lao động cũng được tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp và tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa khi lương tối thiểu tăng. Như vậy, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp cao hơn khi mất việc.

Thông lệ hơn 10 năm qua, lương tối thiểu vùng thường tăng vào ngày 1/1. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần thứ hai trong 4 năm lương tối thiểu vùng tăng vào đầu tháng 7, sau kỳ điều chỉnh hồi 1/7/2022 theo Nghị định số 38/2022/NĐ- CP do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc xây dựng Nghị định quy định mức lương tối thiểu để áp dụng cho năm 2024 là rất cần thiết, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, tăng tiền lương của người lao động phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đồng thời, có cập nhật, điều chỉnh phân vùng địa bàn áp dụng lương tối thiểu cho phù hợp tình hình thực tế.

Thời điểm tăng từ ngày 1/7/2024, đồng bộ với chủ trương thực hiện cải cách tiền lương khu vực Nhà nước, đảm bảo thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị phương án, nguồn lực thực hiện.

Lương tối thiểu trải qua 8 lần điều chỉnh tăng từ năm 2014 đến nay, với mức điều chỉnh: 15,2% vào năm 2014; 14,2% (năm 2015); 12,4% (năm 2016); 7,3% (năm 2017); 6,5% (năm 2018); 5,3% (năm 2019); 5,5% (từ năm 2020 đến tháng 6/2022); 6% từ tháng 7/2022 đến nay.