DNews

2 thập kỷ mong mỏi những cây cầu nghìn tỷ nối gần TPHCM

Thư Trần

(Dân trí) - 20 năm qua, người dân TPHCM và Đồng Nai vẫn mong mỏi những cây cầu nối đôi bờ cách trở để đoạn đường đi học và làm việc của họ bớt xa xôi.

2 thập kỷ mong mỏi những cây cầu nghìn tỷ nối gần TPHCM

Giữa cái nắng thiêu đốt của ngày cuối tháng 4, vợ chồng anh Quý mướt mồ hôi chở chiếc balo vải dù phình căng, chen chúc giữa hàng nghìn người trên bến phà Cát Lái rời TPHCM về xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) tận hưởng kỳ nghỉ. Sau lưng họ, tuyến đường Nguyễn Thị Định dẫn đến phà Cát Lái qua huyện Nhơn Trạch kẹt dài 3 cây số hơn. 

Gần một giờ trôi qua, anh Quý sốt ruột vặn nhẹ ga, nhích lên từng chút sau hai đợt phà đến. "Bình thường phà Cát Lái cũng đông nghịt, còn vào ngày lễ thì coi như chôn chân", anh Quý nói sau khi uống liền một ngụm nước mía vừa mua trong lúc chờ lượt phà tiếp theo.

Cách trở

TPHCM và Đồng Nai bị chia cắt bởi các sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Lòng Tranh và Thị Vải. Hướng kết nối đường bộ giữa TPHCM và Đồng Nai hiện thông qua 4 tuyến vượt sông chính là quốc lộ 1 qua cầu Đồng Nai; quốc lộ 1K xuyên Bình Dương kết nối với Đồng Nai qua cầu Hóa An; đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây qua cầu Long Thành và phà Cát Lái vượt sông Đồng Nai. Thực tế, các tuyến này đều quá tải.

Còn phà Cát Lái là hướng kết nối chính giữa TPHCM và huyện Nhơn Trạch, sau đó kết nối với Bà Rịa - Vũng Tàu lại thường xuyên ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm.

Gần 3 năm làm việc ở TPHCM, số lần ít ỏi vợ chồng anh Nguyễn Văn Quý (33 tuổi, công nhân khu phức hợp Global City) về thăm nhà ở xã Long Tân tính bằng đơn vị tháng. 

2 thập kỷ mong mỏi những cây cầu nghìn tỷ nối gần TPHCM - 1
2 thập kỷ mong mỏi những cây cầu nghìn tỷ nối gần TPHCM - 2
2 thập kỷ mong mỏi những cây cầu nghìn tỷ nối gần TPHCM - 3

Phà Cát Lái hoạt động hết công suất đưa người dân sang sông vào những dịp lễ, Tết (Ảnh: Hải Long).

Những ngày đầu vì muốn tiết kiệm phí sinh hoạt, hai vợ chồng anh Quý bấm bụng vượt phà, băng đường hơn 26km đến chỗ làm bên kia bờ sông. Thế nhưng chưa quá nửa tháng, cơn ác mộng chờ phà mỗi sáng đã khiến vợ chồng anh Quý mất dần nhẫn nại. Cuối cùng, họ chọn dọn đến thuê trọ gần vòng xoay Phú Hữu (TPHCM).

Trong khi những cây cầu kết nối đôi bờ sông Đồng Nai - TPHCM đang và sắp xây dựng, vợ chồng anh Quý cũng như hàng nghìn người dân có nhu cầu làm việc phải miễn cưỡng chờ những chuyến phà mỗi ngày. Song, cũng có người không đủ kiên nhẫn, họ bỏ cuộc và tìm một công việc mới gần nhà hơn. 

Theo quy hoạch, giữa Đồng Nai và TPHCM hiện có 5 cầu đường bộ được đầu tư kết nối gồm: Cầu Phước Khánh thuộc dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, cầu Nhơn Trạch thuộc dự án vành đai 3 TPHCM (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch), cầu Cát Lái (thay phà Cát Lái), 2 cây cầu khác vừa được TPHCM và Đồng Nai thống nhất đầu tư để nối liền 2 địa phương là Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2.

2 thập kỷ mong mỏi những cây cầu nghìn tỷ nối gần TPHCM - 4

Kẹt xe kéo dài ở đường dẫn vào phà Cát Lái vào kỳ nghỉ 30/4-1/5 (Ảnh: Hải Long).

Trong số này, cầu Nhơn Trạch đang xây dựng với tiến độ 70% sản lượng, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2025. Cầu Phước Khánh (bắc qua sông Long Tàu) đạt hơn 80%, vừa tái thi công sau nhiều năm đình trệ. Hai cây cầu còn lại là Đồng Nai 2, Phú Mỹ 2 sẽ được triển khai sau năm 2030.

Riêng cầu Cát Lái sau gần 20 năm quy hoạch (kể từ 2004), người dân vẫn chưa thể thấy hình hài cây cầu thay thế phà cùng tên. Ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho biết Cầu Cát Lái là mong mỏi của địa phương, đặc biệt là người dân huyện Nhơn Trạch.

Thế nhưng sau nhiều buổi làm việc, thời gian triển khai, xây dựng dự án lại chưa được lãnh đạo hai tỉnh, thành thống nhất. Đồng Nai kiến nghị xây cầu Cát Lái trước năm 2025, còn TPHCM lại muốn sau năm 2030 mới thực hiện. 

Quá chậm

"Cầu Nhơn Trạch đang dồn lực làm rồi, cần tập trung triển khai dự án cầu Cát Lái càng sớm càng tốt. Hơn 20 năm vẫn chưa làm được gì là quá chậm", PGS TS Nguyễn Văn Trình, Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu Vùng và Đô thị Irus, nhận định về tiến độ xây dựng những cây cầu kết nối TPHCM và Đồng Nai.

Theo PGS TS Nguyễn Văn Trình, khó khăn lớn nhất của Đồng Nai và TPHCM cũng như các tỉnh trong khu vực vẫn là thiếu cầu, đường, bến bãi. Đây là 3 yếu tố có tác động lớn nhất đến ngành vận chuyển logistics hiện nay. 

Cầu Nhơn Trạch đang dồn lực làm rồi, cần tập trung triển khai dự án cầu Cát Lái càng sớm càng tốt. Hơn 20 năm vẫn chưa làm được gì là quá chậm.
PGS TS Nguyễn Văn Trình Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu Vùng và Đô thị Irus

Việc xây dựng những cây cầu bắc qua sông nối TPHCM - Đồng Nai như Nhơn Trạch, Cát Lái.. là nhu cầu cấp bách, góp phần vào chỉ số tăng trưởng kinh tế cả vùng, kết nối các trung tâm phát triển về kinh tế dịch vụ, công nghiệp cảng biển… 

"Vì khi hình thành cầu, ảnh hưởng sẽ không chỉ có Đồng Nai mà còn cả Bà Rịa - Vũng Tàu, miền Đông Nam Bộ xa hơn là các tỉnh Nam Trung Bộ", PGS Trình phân tích. 

Theo PGS Trình, cầu Nhơn Trạch (thuộc dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn Nhơn Trạch) là một phần của tuyến Vành đai 3 kết nối TPHCM, Đồng Nai, Bình Duong và Long An. Công trình hình thành sẽ tạo ra cú hích giao thông vận tải, thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hóa, kết nối hàng hóa, nguyên vật liệu đến nơi xuất khẩu cho các tỉnh lân cận.

"Cầu Nhơn Trạch còn đóng vai trò quan trọng nối liền các cảng trong khu vực, đưa hàng hóa đến cảng nhanh hơn như Cảng Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải...", ông Trình nhấn mạnh.

2 thập kỷ mong mỏi những cây cầu nghìn tỷ nối gần TPHCM - 5

Cầu Nhơn Trạch dài 2,6km (dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch của dự án Vành đai 3 TPHCM) bắc qua sông Đồng Nai đạt 70% khối lượng (Ảnh: Hải Long).

Cùng quan điểm, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM, nêu thực tế hiện nay, từ Biên Hòa vào nội thành TPHCM và ngược lại có thể mất gần 2 giờ do lưu lượng xe tải, xe container quá lớn. Trong khi đó, cả vùng công nghiệp phía Bắc từ Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai đều cần thiết nối với các khu vực cảng.

"Cầu Nhơn Trạch nói riêng và Vành đai 3 nói chung hoàn thành sẽ giảm lưu lượng qua các trục đường này, kết nối các vùng công nghiệp với các cảng biển, đồng thời, giải tỏa trực tiếp cho xa lộ Hà Nội, tiết kiệm thời gian lưu thông", theo TS Võ Kim Cương.

Cầu Nhơn Trạch nói riêng và Vành đai 3 nói chung hoàn thành sẽ giảm lưu lượng qua các trục đường này, kết nối các vùng công nghiệp với cảng biển.
TS Võ Kim Cương nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM

Đối với cầu Cát Lái, chuyên gia Nguyễn Văn Trình cho rằng lợi thế trước mắt có thể thấy được khi đầu tư công trình này là GRDP của hai địa phương được gia tăng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân. Khi hình thành, cây cầu này sẽ giúp quá trình lưu thông, đi lại giữa các tỉnh trong vùng thuận lợi, thúc đẩy chuỗi sản xuất kinh doanh hàng hóa đi lên, góp phần vào GDP của cả nước.

"Đây là lợi ích rất lớn và cần sớm đầu tư, xây dựng càng sớm càng tốt. Khó thì để Chính phủ tham gia, Ban chỉ đạo Hội đồng vùng tháo gỡ. Phải làm nhanh, trong thời gian các địa phương chờ nhau thì người dân vẫn đang phải xếp hàng đi phà", PGS TS Nguyễn Văn Trình nói.

Còn cầu Phước Khánh (cao tốc Bến Lức - Long Thành) sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc vận chuyển hàng hóa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nối tỉnh Tiền Giang, xa hơn là Đồng Tháp, Bến Tre.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành bắt đầu từ nút giao với cao tốc TPHCM - Trung Lương ở xã Mỹ Yên (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đi qua 3 huyện của TPHCM là Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ và kết thúc tại nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại xã Phước Thái (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Trong đó, đoạn đi qua tỉnh Long An dài 4,89km, đoạn qua TPHCM dài 24,92km, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 27,28km.

2 thập kỷ mong mỏi những cây cầu nghìn tỷ nối gần TPHCM - 6

Công trình cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu, thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành (Ảnh: Hải Long).

Đây là dự án đường bộ trọng điểm phía Nam, giúp cho giao thông liên vùng phía Tây và Đông Nam bộ không cần "quá cảnh" TPHCM sẽ giảm kẹt xe trên quốc lộ 51, nối trực tiếp với mạng đường cao tốc - quốc lộ, với hệ thống cảng biển Hiệp Phước, Thị Vải - Cái Mép và sân bay quốc tế Long Thành. Đến nay, trong 11 gói thầu xây lắp của dự án hiện có 4 gói thầu đã cơ bản hoàn thành (A2-1, A3, J2, J5) và gói thầu A7 đang thi công.

Với việc đầu tư, xây dựng các cây cầu bắc sông ngăn cách TPHCM - Đồng Nai đang được thúc đẩy, người lao động như vợ chồng anh Quý, hay những công nhân khác ở Đồng Nai nhưng làm việc ở TPHCM hoặc ngược lại, sẽ có thêm hy vọng mới giúp con đường mưu sinh hàng ngày của họ bớt phần khó khăn, vất vả.